What's new

cần mọi người giúp

Một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu hócmôn giới tính pheromone ở giun đã phát hiện ra rằng loại pheromone này đồng thời kiểm soát một giai đoạn trong vòng đời của giun, đó là giai đoạn ấu trùng kéo dài.

Phát hiện này, được công bố trên tờ Nature ngày 23 tháng 6, lần đầu tiên cho thấy rằng sinh sản và tuổi đời có liên quan đến nhau nhờ các phân tử nhỏ bé.

Các nhà khoa học thường tập trung vào ADN và protein như là các nhân tố chính về mặt sinh học của một sinh vật, nhưng họ đã nhận ra rằng các hóa chất nhỏ hơn, nhưng đa dạng hơn về mặt cấu trúc – được gọi là “phân tử nhỏ” – cũng là một phần quan trọng đối với một cơ thể sống. Frank Schroder, tác giả của bài báo đồng thời là nhà nghiên cứu tại Học viện Boyce Thompson, cho biết: “Chúng có tầm quan trọng tương tự như gen”.

Các nhà nghiên cứu tìm cách nhận biết hócmôn giới tính pheromone thu hút giun C. elegans đến với loài hermaphrodites (loài giun này không có con cái). C. elegans, loài giun tròn nhỏ bé, là mẫu sinh vật thường được sử dụng để nghiên cứu sinh sản và phát triển ở giun.


Giun C. elegans. (Ảnh: newsdesk.umd.edu)

Để nhận biết hócmôn giới tính pheromone, các nhà nghiên cứu kiểm tra hợp chất hóa học được những con giun tạo ra, loại trừ dần các khả năng cho đến khi chỉ còn lại một số chất nhất định. Họ nhận thấy rằng một nhóm các chất hóa học giống như đường gọi là ascarosides hoạt động cùng nhau để thu hút con đực.

Schroeder cho biết: “Một khía cạnh thú vị là để tạo ra phản ứng sinh học này, phải cần đến lượng nhiều các hợp chất. Một tổ hợp các chất hóa học không có nhiều tác dụng, nhưng hai hoặc ba tổ hợp đem lại phản ứng mạnh mẽ”.

Điều đáng ngạc nhiên là nhóm các hợp chất này cũng khiến những con giun trẻ bước vào giai đoạn ấu trùng kéo dài.

Khi thức ăn khan hiếm hoặc bầy đàn quá đông đúc, những con giun trẻ ngừng phát triển một cách bình thường và bước vào giai đoạn ấu trùng. Ở dạng này chúng có thể tồn tại mà không ăn uống và sinh sản trong nhiều tháng – gấp khoảng 10 lần tuổi đời thông thường của loài giun. Khi ấu trùng tìm được vùng cỏ tốt hơn, nó sẽ phát triển thành giun trưởng thành và quay trở lại quy trình lão hóa thông thường.

Schroeder: “Chúng ta thường nghĩ rằng lão hóa là quá trình suy tàn, nhưng bằng chứng chỉ ra rằng lão hóa cũng là một giai đoạn của phát triển”. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng hócmôn pheromone cũng có thể gia tăng tuổi đời ở giun trưởng thành.

Schroder nhấn mạnh: “Câu hỏi tiếp theo là làm cách nào các hợp chất này ảnh hưởng đến tập tính giao phối và điều phối thời gian phát triển ở cấp độ phân tử. Liệu tác động tương tự có thể xảy ra ở các động vật khác hay không. Chúng tôi đang tìm kiếm đường di truyền có khả năng giữ vai trò trong việc làm chậm quá trình lão hóa”.

Tại sao cùng một loại hợp chất hóa học lại có thể kiểm soát cả tuổi đời và sự lôi cuốn về giới tính? Cách thức hoạt động của các chất hóa học này vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng sinh sản và tuổi đời có mối quan hệ với nhau – nếu một sinh vật có thể sống lâu hơn, nó thường sinh sản ít hơn. Schroeder kết luận: “Hoạt động của các hợp chất hóa học này còn cần được tìm hiểu, nhưng rõ ràng chúng cung cấp mối quan hệ trực tiếp đầu tiên giữa hai chức năng sống cơ bản này”.

Trà Mi (Theo PhysOrg)
 
Sử dụng Pheromone bẫy côn trùng trong sản xuất rau an toàn

Pheromone là hợp chất hoá học có hoạt tính sinh học tương tự như chất kích tố của côn trùng có thể thu hút các con trưởng thành vào bẫy để tiêu diệt, hạn chế mức độ sinh sản của chúng.

Đối với sâu tơ gây hại trên cải bắp và su hào trồng chính vụ (tháng 12), bằng cách đặt 100 bẫy mồi/ha mật độ sâu hại sẽ ít đi rất nhiều do đó không cần phải phun thuốc trừ sâu trong 45 ngày sau khi trồng. Đối với mô hình su hào trồng muộn trong tháng 2 thì thời gian không cần phun thuốc kéo dài được 30 ngày. Trong thời gian đó, nông dân chỉ phải phun từ 2-3 lần thuốc hoá học với bắp cải và 3-4 lần đối với su hào để hạn chế tối đa quần thể sâu hại.
Như vậy, dùng bẫy Pheromone có thể hạn chế đáng kể quần thể sâu tơ trong thời gian nửa đầu vụ rau, còn sau đó phải kết hợp với việc sử dụng các chế phẩm sinh học mới có thể khống chế được quần thể sâu tơ và tác hại của chúng gây ra.
Về chi phí giá thành, mỗi bẫy mồi có giá khoảng 1.000 đồng (một sào Bắc bộ cần 4-5 bẫy), thấp hơn nhiều lần so với phun thuốc BVTV, giảm được chi phí lao động, đảm bảo được sức khoẻ cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.
 
Pheromone nhân tạo đánh lạc hướng bướm đêm
Một thị trấn ở Australia đang được bao phủ bằng những đám mây mang thành tố pheromone đặc trưng của bướm đêm cái, nhằm làm rối loạn những con bướm đực đang tìm kiếm bạn tình để giao phối.
Những con bướm đêm háu ăn đang làm đau đầu các quan chức ở thị trấn Cobra ở bang Victoria, Australia, bởi chúng không ngừng phá hoại mùa đào. Họ đã yêu cầu mọi hộ dân tại khu vực đặt trong vườn một máy phun pheromone nhân tạo, bắt chước chất thơm của bướm cái, nhằm cắt giảm dân số loài gây hại.
"Đám mây pheromone nhân tạo sẽ lấn át các bộ cảm ứng trên anten của bướm đực, làm chúng mất phương hướng. Nếu con đực không tìm được con cái thì chúng không thể giao phối và không đẻ trứng được", nhà khoa học David Williams cho biết.
Các nhà khoa học hy vọng pheromone nhân tạo sẽ có thể thay thế thuốc trừ sâu giúp bảo vệ mùa màng.
Minh Thi (theo Reuters)​
 
Pheromone và các chất tự vệ của động vật Nguồn: PGS. PTS. NGUYỄN VĂN UYỂN - PTS. NGUYỄN TIẾN THẮNG Sự trao đổi thông tin thông qua các chất hóa học trong hệ sinh học là một hiện tượng hiển nhiên. Do đó ngoài cơ quan cảm nhận các tín hiệu âm thanh và ánh sáng (tai và mắt), thì sự thu nhận tín hiệu mùi, vị thông qua cơ quan khứu giác cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Sau đây chúng ta sẽ xem xét hiện tượng nêu trên một cách chi tiết, đặc biệt về khía cạnh hóa học của nó.
Sự trao đổi thông tin thông qua tín hiệu hóa học có tính toàn năng, nó có mặt ở khắp nơi, ở bên trong tế bào, giữa các tế bào trong cùng một cơ thể và giữa các cá thể sinh vật riêng rẽ trong cùng một quần thể sinh thái. Thí dụ sirenine là pheromone giới tính của nấm meo Allomyces, sống trong nước, còn c-AMP là pheromone tạo tín hiệu tập hợp cộng đồng của amip Dictyostelium discoideum. Ở thực vật bậc cao, cũng có trường hợp các chất bay hơi đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo quan hệ giữa các cá thể thực vật với nhau. Tuy nhiên chỉ ở giới động vật sự thể hiện các tín hiệu hóa học mới thực sự đa dạng phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như : tìm kiếm thức ăn, bảo vệ và duy trì nòi giống v.v...Người ta phân biệt các chất bay hơi đóng vai trò làm thông tin hóa học trong phạm vi một loài là pheromone và trong phạm vi giữa các loài là allomone. Tuy nhiên, hai khái niệm trên là hết sức tượng trưng, vì ở điều kiện tự nhiên chúng dễ dàng thay thế lẫn nhau.
Tuy pheromone đã được phát hiện ở nhiều các loài động vật, nhưng cho đến nay phần lớn các thông tin tin cậy có được chủ yếu liên quan đến pheromone côn trùng. Sở dĩ như vậy là vì ở côn trùng người ta có thể thực hiện các thí nghiệm kiểm soát hoạt động của chúng thông qua pheromone dễ dàng hơn nhiều, so với các loài động vật khác, như động vật có vú chẳng hạn. Hơn nữa các nghiên cứu về pheromone côn trùng đã có những ứng dụng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động sản xuất của con người, do vậy chúng được chú ý nhiều hơn.
Đối với động vật có vú, sự hiện diện của pheromone cũng đã được ghi nhận. Thí dụ, các chất mùi trong nước tiểu của chuột đực có tác dụng kích thích và làm thay đổi chu kỳ động đực của chuột cái, hoặc nữ sinh viên sống tập thể bao giờ cũng có chu kỳ kinh nguyệt giống nhau và xảy ra đồng thời. Tuy sự hiện diện pheromone ở động vật có vú đã được công nhận, nhưng cơ chế tác động của chúng vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ, vì cho đến nay người ta vẫn còn chưa biết nhiều về cấu trúc phân tử của chúng.
Côn trùng thường tiết ra pheromone ở dạng bay hơi để hấp dẫn đối tượng khác giới. Pheromone được tiết ra ở một lượng rất nhỏ và sau đó được lan truyền trong khoảng không gian rất lớn. Thí dụ bướm tằm cái tiết vào không khí pheromone giới tính cái với tốc độ 100 ?g/giây và bướm tằm đực bắt đầu có phản ứng khi pheromone ở ngưỡng nồng độ khoảng 100 phân tử/ml không khí. Do đó trong thực tế nhiều khi khoảng không gian chứa pheromone của con cái kéo dài khoảng vài km, và bất kỳ con bướm đực nào có mặt trong khoảng không gian ấy, đều sẽ bị hấp dẫn di chuyển hướng về con cái. Tất nhiên khoảng không gian tác động của pheromone còn phụ thuộc vào tốc độ gió, nhiệt độ không khí v.v..., nhưng theo quy luật chung pheromone là các chất rất nhẹ và dễ bay hơi. Do đó trong thực tế chúng thường là các dẫn xuất carbohydrate chứa 5-8 nguyên tử C, với MW khoảng từ 80 đến 300 D.
Khác với pheromone lan truyền trong không khí, pheromone của động vật sống trong nước thường là những chất kém bay hơi, có MW lớn hơn, và tan trong nước. Cũng cần lưu ý là pheromone của động vật sống trong nước, thí dụ pheromone biểu hiện giới tính cái tảo Volvox (Chlorophyta) và pheromone kiểm soát và phân nhóm ấu trùng tôm Balanus balanoides có bản chất là protein hoặc steroid, thí dụ cá cái Lelistes reticulatus tiết ra estrogen để hấp dẫn cá đực.
Một trong những vấn đề lý thú nhất khi nghiên cứu pheromone động vật là việc tìm hiểu quá trình tổng hợp hay nguồn gốc của chúng. Ở côn trùng người ta thấy rằng, một mặt rất nhiều pheromone được tổng hợp de novo từ các tiền chất đơn giản, mặt khác côn trùng có khả năng thu nhận pheromone của mình từ thực vật. Sau đó hoặc chúng được sử dụng trực tiếp, hoặc được biến đổi hóa học không đáng kể trước khi sử dụng. Thí dụ loài bướm gấu thường ăn lá cây Senecio và sử dụng ngay alkaloid hấp thu được làm phương tiện bảo vệ ngăn không cho chim tiêu diệt chúng, hoặc loài bướm Pachlioptera aristolochiae cũng sử dụng aristolochic acid có mặt trong thức ăn thực vật vào mục đích trên. Ngoài ra người ta còn thấy ở loài côn trùng đa chi, kiến, bọ rùa, cà niễng và ếch có sự tái tạo các chu trình sinh tổng hợp alkaloid làm nhiệm vụ bảo vệ giống như các cơ thể thực vật.
Một nhóm chất bảo vệ khác mà cơ thể động vật cũng hoặc lấy trực tiếp từ thực vật hoặc tái tạo lại quá trình sinh tổng hợp chúng ở cơ thể động vật là terpenoid. Thí dụ, ấu trùng ong xé lá có thói quen tiết chất nhờn từ tuyến ngực chứa monoterpene có tác dụng chống lại các địch thủ của nó, hoặc ruồi giấm Lytta vesicatoria cũng tiết chất bảo vệ từ một tuyến đầu gối chứa độc chất terpenoid, được tổng hợp de novo trong cơ thể ruồi. Cuối cùng chúng ta sẽ xem xét nhóm chất bảo vệ có bản chất là quinone thường được tích lũy trong tuyến nội tiết ở đầu gối của côn trùng. Tóm lại trong vòng khoảng 20 năm trở lại đây các thông tin về pheromone và các chất bảo vệ đã được tích lũy rất nhiều, chủ yếu là người ta ngày càng thấy tầm quan trọng của sự hiểu biết và ứng dụng của pheromone đối với đời sống con người.
 
Nghiên cứu chất kích dục pheromone ở mực ống vây dài







Chỉ cần chạm vào hormone pheromone của mực ống vây dài cái có thể khiến một con mực ống đực trở nên kích thích, hung hãn và khiến cả những con mực nhỏ cũng trở nên “dữ dằn” hơn để chiếm lấy người đẹp.
Việc cho rằng ở con người cũng có chất tương tự như pheromone, có tên gọi Loligo beta-microseminoprotein, là một kết luận hấp tấp và chưa có cơ sở. Nhưng kết quả nghiên cứu dưới đây cũng hé lộ một điều thú vị để tiếp tục nghiên cứu chủ đề này.
“Nó giống như rau spinach của Popeye vậy. Khi chạm vào pheromone, những con mực trở nên mạnh mẽ hơn”, nhà sinh học Roger Hanlon của Phòng nghiên cứu Sinh vật biển Marine Biological Laboratory phát biểu. Ông đã đăng tải kết quả nghiên cứu của mình vào ngày 10 tháng 2 vừa qua trên tạp chí Current Biology. “Đây là một phản ứng mạnh mẽ và tuyệt vời. Nó có thể là cơ chế để giúp đỡ những con mực nhỏ gặp khó khăn khi muốn nổi trội hơn so với đồng loại, mang đến cho nó cơ hội tốt hơn với con cái”.
Pheromone là các hợp chất gây ra hành vi và những sinh lý lạ trong đồng loại, bao gồm sự giận dữ, tỉnh táo, rụng trứng và thậm chí là động dục. Khi mùa sinh sản của những con mực này đạt đỉnh vào mùa Xuân, những con mực vây dài cái sẽ tiết ra Loligo beta-microseminoprotein lên vỏ trứng của mình.
Trong một chuyến lặn biển vào năm 1997 nhằm nghiên cứu hành vi sinh sản của mực vây dài, Hanlon và cộng sự đã đặt một quả trứng vào một đàn mực khoảng 1.000 con. Đột ngột, tất cả những con đực trở nên hỗn loạn. Hanlon chia sẻ: “Con đực thường bị hấp dẫn về mặt thị giác đối với các nang trứng. Do đó một con mực ống đực đã dùng những xúc tu của mình chạm vào quả trứng và ngay lập tức, trận chiến giữa những chú mực đực nổ ra. Một con khác bơi xuống và cũng đánh nhau, rồi một con khác, và một con khác nữa. Trong vòng 5 phút, toàn bộ đàn mực trở nên điên loạn”.
Hanlon và cộng sự tiếp tục tìm kiếm những hợp chất có khả năng gây ra những hành vi này. Họ đã mang những con mực hoang dã vào phòng thí nghiệm, sau đó cách ly những chất tiết ra bởi cơ quan sinh dục của mực cái và trứng. Những con đực được cho tiếp xúc với mỗi hợp chất cho đến khi những nhà nghiên cứu tìm thấy một chất khiến chúng điên loạn: Loligo beta-microseminoprotein. Pheromone là một lớp hợp chất có trong các tế bào sinh dục và trong chất dịch của các loại động vật, trong đó có cả động vật có vú. Tuy nhiên, Hanlon vẫn không nghĩ rằng nó sẽ có tác động trên con người.
Nhà thần kinh động vật học Edward Kravitz của đại học Harvard University, người nghiên cứu sự hung dữ của những con ruồi, cho rằng những kết quả tìm thấy rất thu hút và ông tò mò muốn thấy nó sẽ dẫn đến đâu. Kravitz chia sẻ: “Mọi người nghĩ rằng những đó là do những phân tử gây tín hiệu. Có thể đây là một phân tử được sử dụng trong suốt quá trình tiến hóa dùng cho một mục đích chung”.
Rất nhiều những khác đặt ra nghi vấn về chức năng của pheromone trong mực ống. Hanlon cho rằng: “Chúng tôi không biết làm thế nào pheromone có thể đi vào các xúc tu và mạch máu, nó ảnh hưởng đến cơ quan cảm thụ nào, và ảnh hưởng như thế nào đối với hệ thống thấn kinh. Đây thực sự chỉ là bắt đầu, và chúng tôi hy vọng những kết quả này sẽ giúp những đồng nghiệp khác bắt đầu nghiên cứu kĩ hơn về chức năng của lớp protein này”.
Theo wired
 
bạn có biết thêm về một số qui trình sản xuất pheromone thì giúp mình với.

Tóm tắt nội dung nghiên cứu, ý nghĩa khoa học của đề tài
Bước 1: Tổng hợp pheromone giới tính của bướm sâu đục vỏ trái (Prays citri) và sâu vẽ bùa (P. citrella) gây hại trên cây có múi (citrus) ở vùng ĐBSCL trong điều kiện phòng thí nghiệm tại Trường Đại học Cần Thơ.
Bước 2: Đánh giá khả năng hấp dẫn ngoài đồng; tìm kiểu phối hợp pheromone giới tính cho hiệu quả hấp dẫn cao đối với bướm P. citriP. citrella phân bố ở vùng ĐBSCL.
Bước 3: Theo dõi biến động mật số quần thể của bướm sâu đục vỏ trái (P. citri) và sâu vẽ bùa (P. citrella) phân bố ở vùng ĐBSCL, từ đó đề xuất thời điểm thích hợp nhất cho việc quản lý hai loài sâu hại này.
Bước 4: Nghiên cứu ứng dụng pheromone giới tính để quản lý sâu đục vỏ trái (P. citri) và sâu vẽ bùa (P. citrella) trên các vườn cây có múi tại thành phố Cần thơ và tỉnh Vĩnh long.
Bước 5: Sản xuất và phổ biến sản phẩm trên diện rộng.
Bước 6: Tổng kết thí nghiệm, báo cáo nghiệm thu, viết 5 luận văn tốt nghiệp đại học, 1 luận văn cao học, 1 luận văn nghiên cứu sinh và 2 báo cáo khoa học.
Sản phẩm tạo ra, địa bàn
ứng dụng kết quả nghiên cứu
(1) Qui trình sản xuất và sản phẩm sinh học pheromone hấp dẫn giới tính của bướm sâu vẽ bùa (tên sản phẩm: VEBUA-ĐHCT) và bướm sâu đục vỏ trái (tên sản phẩm: ĐUCVO-ĐHCT).
(2) Qui trình sử dụng pheromone giới tính trong việc quản lý sâu đục vỏ trái và sâu vẽ bùa gây hại cây có múi ở ĐBSCL.
(3) Dự tính dự báo tình hình sâu vẽ bùa và sâu đục vỏ trái gây hại trên cây có múi tại ĐBSCL.
(4) Hai báo cáo khoa học về pheromone giới tính của bướm sâu đục vỏ trái (Prays citri Millière) và sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citrella Stainton).
(5) Dự kiến thực hiện được: 3 luận văn tốt nghiệp đại học và 1 luận án tốt nghiệp cao học và 1 luận án nghiên cứu sinh.
Hiệu quả kinh tế xã hội,
giáo dục đào tạo
Góp phần nâng cao đời sống nhân dân…
 

Facebook

Top